Ẩn dụ là gì, phép ẩn dụ trong đời sống và văn học

0
586
phep-an-du-la-gi

Ẩn dụ là gì? Đây là một biện pháp tu từ được sử dụng phổ biến trong văn học. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn học sinh hiểu rõ hơn về khái niệm và các kiểu ẩn dụ. Hy vọng đây sẽ là nguồn tài liệu tham khảo giúp ích cho các bạn trong quá trình ôn tập nhé!

phep-an-du-la-gi

Tìm hiểu về phép ẩn dụ

Ẩn dụ là gì?

Ẩn dụ là biện pháp tu từ dùng để gọi tên sự vật/ hiện tượng này bằng tên gọi của sự vật/ hiện tượng khác dựa trên những nét tương đồng giữa 2 đối tượng đó. Những nét tương đồng đó có thể là màu sắc, trạng thái, đặc điểm, tính chất,... 

Ngoài ra, ẩn dụ còn được hiểu là phép sử dụng từ ngữ ở nghĩa chuyển dựa trên cơ sở về sự giống nhau/ tương đồng về một số thuộc tính nào đó giữa hai sự vật được đề cập đến.

Ẩn dụ cũng được coi là một phép so sánh ngầm khi hai đối tượng có một nét tương đồng nào đó. Từ đó nhằm phát huy trí tưởng tượng phong phú trong lòng người đọc. 

Tác dụng của ẩn dụ là gì?

Thông qua phép ẩn dụ, hình ảnh của sự vật/ sự việc được hiện lên phong phú, sinh động hơn; giúp làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt. Ngoài ra, ẩn dụ còn kích thích trí liên tưởng, tưởng tượng của người học. Hiệu quả nghệ thuật này khá giống như phép so sánh. Tuy nhiên, bạn cần phân biệt rằng trong phép ẩn dụ không xuất hiện các từ so sánh và vế so sánh. Đồng thời, các sự vật được mang ra ẩn dụ thường có ý nghĩa tương đương và ngang bằng nhau. 

Có những kiểu ẩn dụ nào? 

Có 4 hình thức ẩn dụ thường gặp, đó là

Ẩn dụ hình thức

Phép ẩn dụ này được hình thành dựa trên những nét tương đồng về hình thức. Tức là hai sự vật/ hiện tượng được đề cập đến có một số nét giống nhau về đặc điểm hình thức bên ngoài.

Ví dụ: 

“Về thăm quê Bác làng Sen

Có hàng râm bụt thắp lên lửa hồng”

=> Ẩn dụ hình thức được thể hiện trong câu thơ “Có hàng râm bụt thắp lên lửa hồng”. Đó là sự tương đồng về hình thức: Màu đỏ - hoa râm bụt với màu hồng - ngọn lửa. 

Ẩn dụ cách thức

Phép ẩn dụ này được hình thành dựa trên những nét tương đồng về cách thức. Cách thức được hiểu là cách thể hiện hoặc thực hiện một vấn đề hay một hành động nào đó. 

Ví dụ: 

“Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây

Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.

=> Phép ẩn dụ được thể hiện ở từ “trồng” thứ 2. “Trồng” là một động từ chỉ hoạt động trồng cây, trồng hoa. Tuy nhiên, Bác Hồ đã dùng phép ẩn dụ cách thức để nói về hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục con người. Các hoạt động như bảo vệ, chăm sóc,... đối với cây và đối với con người có mối quan hệ tương đồng với nhau. 

Ẩn dụ phẩm chất

Hai sự vật/ hiện tượng có nét tương đồng với nhau về đặc tính hoặc phẩm chất bên trong thì được gọi là phép ẩn dụ phẩm chất.

Ví dụ: 

“Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”

=> Ẩn dụ được thể hiện qua các hình ảnh “mực - đen” đại diện cho những cái xấu, tối tăm, cần được loại bỏ. Và hình ảnh “đèn - rạng” đồng nghĩa cho những cái hay, cái tốt, sự tiến bộ, rất đáng để học hỏi. 

Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác

Phép ẩn dụ này được hình thành dựa trên sự tương đồng về cảm giác. Tức là một sự vật/ hiện tượng đúng ra được nhận biết bằng giác quan này nhưng lại được đặc tả bằng các từ ngữ của giác quan khác. 

Ví dụ: 

“Giọng hát của cô ấy thật sự rất ngọt ngào”

=> Phép ẩn dụ chuyển đổi cảm giác được thể hiện như sau: giọng hát - vốn được cảm nhận bằng tai (thính giác) nhưng lại được người nói cảm nhận bằng vị giác (ngọt ngào). 

cac-hinh-thuc-an-du-thuong-gap

Các hình thức ẩn dụ thường gặp

Sự khác biệt giữa phép ẩn dụ và hoán dụ là gì?

Trong tất cả các biện pháp tu từ, ẩn dụ và hoán dụ là 2 biện pháp dễ gây nhầm lẫn nhất. Thực tế, rất nhiều bạn học sinh cũng không phân biệt được 2 biện pháp này khi làm bài tập. Vậy có cách nào để phân biệt được chúng không? Cùng tìm hiểu nhé!

Giống nhau

  • Cả ẩn dụ và hoán dụ đều gọi tên của sự vật/ hiện tượng/ khái niệm này bằng tên gọi của sự vật/ hiện tượng/ khái niệm khác.
  • Mục đích của ẩn dụ và hoán dụ là đều giúp cho cách diễn đạt trở nên gợi hình và gợi cảm hơn. 

Khác nhau

Để phân biệt được, bạn cần phải hiểu rõ bản chất của hoán dụ và ẩn dụ là gì. Cụ thể như sau:

  • Phép ẩn dụ được hình thành dựa trên mối quan hệ tương đồng giữa hai sự vật/ hiện tượng. Đó là sự tương đồng về cách thức, hình thức, phẩm chất và chuyển đổi cảm giác. 
  • Phép hoán dụ lại được hình thành dựa trên mối quan hệ tương cận (quan hệ gần gũi) giữa 2 sự vật/ hiện tượng. Hoán dụ được chia thành 4 kiểu: lấy cái cụ thể chỉ cái trừu tượng, lấy vật chứa đựng để nói về vật bị chứa đựng, lấy cái bộ phận để nói về cái cụ thể, lấy dấu hiệu của sự vật để gọi tên cho sự vật đó.

Ngoài ra, ẩn dụ còn được biết đến là phép so sánh ngầm. Do vậy, khi ta khôi phục lại hình ảnh A, B và đặt thử từ so sánh giữa chúng. Nếu hợp lý thì mối quan hệ giữa A và B là mối quan hệ tương đồng. Và chắc chắn đó là ẩn dụ. 

Ngược lại, nếu ta thêm từ so sánh giữa A và B mà câu văn đó không có nghĩa hoặc không hợp lý thì đó chính là biện pháp hoán dụ. 

Ví dụ về ẩn dụ và hoán dụ

Để các bạn có thể hiểu rõ hơn hoán dụ, ẩn dụ là gì và cách phân biệt 2 biện pháp này, mình sẽ lấy ví dụ cụ thể như sau: 

“Thông Đoài thì nhớ thôn Đông

Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào.”

=> Trong ví dụ trên, tác giả đã sử dụng cả biện pháp ẩn dụ và hoán dụ.

  • Phép hoán dụ “Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông”

=> “thôn Đoài” và “thôn Đông” là 2 hình ảnh hoán dụ được dùng để chỉ người dân thôn Đoài và thôn Đông. 

  • Phép ẩn dụ “Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào”

=> Lấy hình ảnh trầu và cau để nói về tình yêu đôi lứa. giữa “trầu, cau” và tình yêu đôi lứa đều có mối quan hệ khăng khít, thắm thiết, không thể tách rời. Cách nói lấp lửng “trầu không thôn nào” thực chất đang ám chỉ người ở thôn Đông. Cách nói ẩn ý này đã giúp cho câu thơ thêm phần duyên dáng và tế nhị. 

Luyện tập về pháp ẩn dụ và phép hoán dụ

Ví dụ: Hãy cho biết câu thơ dưới đây sử dụng biện pháp tu từ nào và cho biết hiệu quả?

  1. Thác bao nhiêu thác cũng qua,

Thênh thênh là chiếc thuyền ta trên đời.

  1. Đầu xanh đã tội tình gì

Má hồng đến quá nửa thì chưa thôi.

  1. Thuyền về có nhớ bến chăng?

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền. 

Lời giải: 

  1. Trong 2 câu thơ trên, tác giả đã sử dụng hình ảnh ẩn dụ, đó là: 
  • Thách: Khó khăn, thử thách, chông gai cản trở trên đường đi, cụ thể đó là con đường cách mạng. 
  • Chiếc thuyền ta: Con thuyền cách mạng, sự nghiệp dân tộc.

=> Phép ẩn dụ thể hiện dù con đường cách mạng có đầy chông gai, thử thách, khó khăn và gian khổ đến mấy thì sự nghiệp cách mạng dân tộc vẫn luôn vững tiến về phía trước. Không bao giờ bị thụt lùi hay dừng bước vì những “hòn đá” cản đường đó. 

  1. Trong 2 câu thơ trên, Nguyễn Du đã sử dụng biện pháp hoán dụ, lấy cái bộ phận để chỉ cái toàn thể. Đó là: 
  • Đầu xanh: Tóc còn xanh, nói về người trẻ tuổi. 
  • Má hồng: Gò má của người thiếu nữ

=> Trong câu thơ này, Nguyễn Du đã dùng những cụm từ trên để nói về Thúy Kiều. 

  1. Biện pháp ẩn dụ:
  • Thuyền: Ẩn dụ cho hình ảnh người con trai, người ra đi
  • Bến: Ẩn dụ cho hình ảnh người con gái, người ở lại

=> Tác dụng: Làm tăng sức biểu cảm cho cách diễn đạt. Đồng thời cũng thể hiện rõ nỗi niềm nhớ thương, thủy chung son sắt của người con gái dành cho con trai. Tình cảm ấy mãi vững chắc, không gì lay chuyển được như hình ảnh “bến đợi thuyền”. 

Chắc hẳn qua bài viết trên bạn đã hiểu rõ ẩn dụ là gì và cách phân biệt ẩn dụ với hoán dụ rồi phải không? Đừng quên thường xuyên luyện tập để sử dụng thành thạo 2 biện pháp tu từ này nhé!

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận