Hoán dụ là gì? Ví dụ về hoán dụ

0
157

Hoán dụ là gì? Đây là một trong 4 biện pháp tu từ được dùng phổ biến trong văn học, giúp cho bài văn thêm phần sinh động và hấp dẫn. Để hiểu rõ hơn về biện pháp tư từ này, mời các bạn cùng theo dõi bài viết sau đây của chúng tôi!

Hoán dụ là gì?

Hoán dụ là dùng tên gọi của một sự vật, hiện tượng này để gọi tên cho một sự vật, hiện tượng khác dựa trên mối quan hệ tương cận (gần gũi). Mục đích của hoán dụ giúp tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt; đồng thời giúp hình ảnh của sự vật hiện lên sinh động và hấp dẫn hơn. 

Thế nào là hoán dụ?

Ví dụ về hoán dụ

“Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:

Chỉ cần trong xe có một trái tim”. 

=> Trong hai câu thơ trên, tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ hoán dụ thông qua hình ảnh “trái tim”. Trái tim ấy tượng trưng cho tinh thần bất khuất, lòng yêu nước, ý chí chiến đấu kiên cường vì miền Nam ruột thịt. Chính sức mạnh ấy đã giúp người lính vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn, không sợ súng, bom của kẻ thù, luôn sẵn sàng tiến về phía trước với niềm tin chiến thắng, giải phóng đất nước. Câu thơ được xem là điểm sáng nhất bài thơ, bộc lộ sâu sắc chủ đề của tác phẩm. 

Có những kiểu hoán dụ nào?

Khi đã hiểu rõ hoán dụ là gì, vậy có những loại hoán dụ nào? Cùng tìm hiểu nhé!

Trong chương trình Ngữ Văn THCS, chúng ta đã được làm quen với 4 kiểu hoán dụ chính, đó là:

cac-kieu-hoan-du-thuong-gap

Các kiểu hoán dụ thường gặp

Lấy bộ phận để chỉ cái toàn thể

Tức là dùng 1 bộ phận hoặc một đặc điểm đặc trưng của vật để liên tưởng đến một sự vật hay hành động nào đó. 

Ví dụ: 

“Một trái tim lớn lao đã giã từ cuộc đời

Một khối óc lớn đã ngừng sống”.

=> Hình ảnh “trái tim, bộ óc” (cái bộ phận) để chỉ toàn cơ thể con người. Đó chính là Bác Hồ - vị lãnh tụ đáng kính trọng và người cha già kính yêu của chúng ta. Sự ra đi của Bác đã để lại bao tiếc thương, buồn bã trong lòng mỗi người con đất Việt. 

Lấy vật chứa đựng để nói về vật bị chứa đựng

Tức là dùng những sự vật có khả năng chứa đựng lớn như một cộng động, một tập thể, một đất nước,... để nói về những vật nhỏ hơn, bị chứa đựng trong đó. 

Ví dụ: 

“Vì sao Trái Đất nặng ân tình

Nhắc mãi tên Người Hồ Chí Minh”. 

=> Hình ảnh hoán dụ ‘Trái Đất” dùng để nói về tất cả mọi người đang sinh sống trên Trái Đất. Không chỉ những người con đất Việt mãi nhớ thương về Bác mà những người dân trên cả Trái Đất này cũng phải lặng mình khâm phục trước sự bao dung, độ lượng của Bác. Biện pháp tu từ hoán dụ không chỉ tăng sức biểu cảm cho sự diễn đạt mà còn giúp nâng tầm vĩ đại của câu thơ. 

Lấy dấu hiệu của vật để gọi tên sự vật đó

Tức là lấy những dấu hiệu đặc trưng của vật để nói về sự vật đó. Ví dụ, lấy tiếng sủa để nói về con chó, tiếng gáy o o để nói về con gà trống,... 

Ví dụ: 

“Sen tàn cúc lại nở hoa

Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân.”

=> Biện pháp tu từ hoán dụ trong 2 câu thơ trên được thể hiện như sau: “sen tàn” - tượng trưng cho mùa hè; “cúc lại nở hoa” - tượng trưng cho mùa thu vì hoa cúc nở mùa thu. Chỉ với 2 câu thơ ngắn gọn, Nguyễn Du đã diễn đạt được sự chuyển tiếp của bốn mùa trong năm: Mùa hạ đi qua thì thu lại đến. Thu kết thúc thì bước sang đông, đông tàn xuân lại ngự trị. Vì mang nặng mối sầu nên tác giả không ý thức được sự qua nhanh của thời gian. 

Lấy cái cụ thể để nói về cái trừu tượng

Dùng những đặc điểm riêng biệt, cụ thể để liên tưởng đến những cái chung, cái trừu tượng.

Ví dụ: 

“Một cây làm chẳng lên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. 

=> Hình ảnh “một cây” chỉ sự đơn lẻ, đơn độc, đứng một mình. “Ba cây” chỉ số nhiều, tượng trưng cho sự đoàn kết. “Chẳng lên non” có nghĩa là chẳng làm được việc gì to lớn; “hòn núi cao” - có thể làm được việc lớn. Câu thơ mang đến một bài học cuộc sống rất ý nghĩa “đoàn kết là sức mạnh”. Tinh thần đoàn kết sẽ tạo động lực to lớn giúp chúng ta vượt qua mọi chông gai, thử thách để gặt hái được nhiều thành công vang dội trong cuộc sống. 

Điểm giống và khác nhau của ẩn dụ và hoán dụ là gì?

Trong tất cả các biện pháp tu từ thường gặp, hoán dụ và ẩn dụ là hai biện pháp rất dễ nhầm lẫn trong quá trình sử dụng. Vậy làm sao để phân biệt được chúng, mời các bạn theo dõi thông tin chia sẻ dưới đây: 

 

Ẩn dụ Hoán dụ
Giống nhau - Lấy tên gọi của sự vật, hiện tượng A để gọi tên cho sự vật, hiện tượng B.

- Mục đích: Làm tăng sức gợi hình, gợi cảm và giúp cách diễn đạt thêm phần sinh động, hấp dẫn hơn. 

Khác nhau - Mối quan hệ giữa 2 sự vật: Quan hệ tương đồng (có đặc điểm chung).

- Các kiểu ẩn dụ được hình thành dựa trên những điểm chung về hình thức, phẩm chất, cách thức và chuyển đổi cảm giác. 

- Mối quan hệ giữa 2 sự vật: Quan hệ tương cận (gần gũi nhau). 

- Các kiểu hoán dụ: 

  • Lấy bộ phận để chỉ cái toàn thể
  • Lấy vật chứa đựng để nói về vật bị chứa đựng
  • Lấy dấu hiệu của vật để gọi tên sự vật đó
  • Lấy cái cụ thể để nói về cái trừu tượng

 

Trên đây là toàn bộ thông tin chia sẻ về khái niệm hoán dụ là gì, phân loại và tác dụng của hoán dụ. Mong rằng đây sẽ là nguồn kiến thức tham khảo giúp ích cho các bạn học sinh trong quá trình ôn luyện. 

 

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận