Quần xã là gì? Mối quan hệ giữa các loài trong quần xã

0
256
quan-xa-la-gi

Trong tự nhiên, có rất nhiều loài sinh vật sinh sống trong cùng một khu vực địa lý tại cùng một thời điểm, dần hình thành nên một quần xã. Vậy quần xã là gì? Giữa các loài sinh sống trong quần xã có mối quan hệ ra sao? Bài viết dưới đây của sansosanh sẽ giúp bạn giải đáp câu hỏi này. Hãy cùng theo dõi nhé!

Quần xã là gì?

Quần xã sinh vật là tập hợp của nhiều quần thể sinh vật đến từ nhiều loài khác nhau, cùng sống trong một khu vực địa lý trong cùng một thời gian nhất định.

quan-xa-la-gi

Quần xã là gì?

Tất cả các sinh vật trong quần xã đều có mối gắn kết với nhau thành một thể thống nhất. Vì vậy, quần xã là một cấu trúc tương đối ổn định.

Ví dụ quần xã sinh vật

Dưới đây là ví dụ về quần xã sinh vật sinh sống trong một khu đầm lầy tại Ấn Độ:

vi-du-quan-xa-sinh-vat

Quần xã sinh vật trong đầm lầy

Trong quần xã này, có rất nhiều quần thể động vật, bao gồm: 

  • Quần thể động vật ở trên cạn: Quần thể hổ, quần thể hươu, quần thể khỉ, thằn lằn, chim bói cá, cò, dơi,....
  • Quần thể động vật dưới nước: Quần thể cua, quần thể cá rô phi, quần thể tôm,...
  • Quần thể động vật trên trời: Quần thể sếu, quần thể chim ưng,...

Còn quần thể thực vật trong quần xã này gồm có: Quần thể rong, quần thể đước, quần thể dương xỉ,...

Giữa các quần thể trong quần xã tồn tại nhiều mối quan hệ khác nhau như quan hệ hỗ trợ, quan hệ cạnh tranh (Cạnh tranh về nguồn thức ăn) với các cá thể cùng loài, quan hệ đối địch (Giữa các cá thể thuộc hai loài),...

Mối quan hệ của các loài trong cùng một quần xã

Trong cùng một quần xã, ngoài mối quan hệ giữa cá thể trong cùng một loài ra thì còn có mối quan hệ giữa loài này với loài khác như: Quan hệ hỗ trợ và quan hệ đối kháng. 

Trong đó, quan hệ hỗ trợ bao gồm: Cộng sinh, hội sinh, hợp tác. Còn quan hệ đối kháng gồm: Ký sinh, cạnh tranh, ức chế - cảm nhiễm và sinh vật này ăn sinh vật khác.

Mối quan hệ hỗ trợ trong quần xã ra sao?

Mối quan hệ hỗ trợ hình thành giữa các loài khác nhau trong quần thể, giúp ít nhất có 1 loài được hưởng lợi.

Cộng sinh trong quần xã

Mối quan hệ cộng sinh trong quần xã được hình thành giữa hai loài cùng chung sống, thường mang lại lợi ích cho nhau. Trong mối quan hệ này, cả hai loài đều được hưởng lợi.

Ví dụ: Mối quan hệ giữa loài cua ký cư và hải quỳ. Hai loài này sống trong cùng một quần xã dưới đáy biển, có sự hợp tác với nhau. Cua ký cư thường cõng hải quỳ trên lưng để đi kiếm ăn.

moi-quan-he-ho-tro-trong-quan-xa

Mối quan hệ cộng sinh giữa cua ký cư và người bạn hải quỳ trong quần xã

Nhờ có hải quỳ thường xuyên tiết nọc độc mà cua ký cư có thể xua đuổi, lẩn tránh kẻ thù. Trong khi đó, hải quỳ có thể di chuyển được nhờ cua và kiếm ăn dễ dàng hơn so với việc “nằm im một chỗ” vì hải quỳ vốn không có chân.

Hội sinh trong quần xã

Mối quan hệ này cũng dựa trên sự kết hợp giữa hai loài. Trong đó, một loài được hưởng lợi, loài còn lại không được hưởng lợi, cũng không bị tổn hại, có thể nói là “vô thưởng vô phạt”.

Ví dụ: Mối quan hệ của loài cá ép và cá mập khi cùng nhau sinh sống dưới biển. Cá ép nương nhờ và ép chặt vào thân cá mập để dễ dàng kiếm ăn, di chuyển được xa. Còn cá mập thì chẳng có lợi cũng chẳng có hại gì cả.

Hợp tác trong quần xã sinh vật

Mối quan hệ hợp tác được hình thành trên sự liên kết của hai loài, cũng là đôi bên cùng có lợi nhưng không bắt buộc. Quan hệ này giúp cho các loài động vật thực hiện hoạt động dễ hơn.

Ví dụ: Mối quan hệ giữa sáo và trâu là quan hệ hợp tác, tuy nhiên không bắt buộc. Nếu chúng không hợp tác thì vẫn có thể sinh tồn, phát triển tốt. 

hop-tac-trong-quan-xa-sinh-vat

Quan hệ hợp tác giữa sáo và trâu rừng trong quần xã

Theo đó, sáo sẽ đậu trên lưng trâu để bắt những con ve bét đang lẩn trốn dưới da trâu làm thức ăn. Nhờ đó mà sáo có được nguồn thức ăn dồi dào, còn trâu thì không phải chịu cảnh bị ve “chích máu” liên tục nữa.

Không chỉ vậy, khi có kẻ thù hoặc động vật ăn thịt đến, sáo sẽ bay lên để báo hiệu cho trâu biết.

Mối quan hệ đối kháng trong quần xã sinh vật thể hiện thế nào?

Ngược lại với mối quan hệ hỗ trợ, mối quan hệ đối kháng trong quần xã sẽ khiến cho ít nhất 1 loài gặp bất lợi.

Quan hệ cạnh tranh giữa cá thể khác loài

Thông thường mối quan hệ cạnh tranh xảy ra giữa hai loài trong cùng một quần xã là cạnh tranh về thức ăn, cạnh tranh về ánh sáng và cạnh tranh về nơi ở,... 

Mối quan hệ cạnh tranh được các nhà khoa học xem như một động lực của quá trình tiến hóa vì nó khiến sinh vật phải thay đổi để thích nghi với môi trường.

Ví dụ: Trong quần xã động vật ở xavan châu Phi, sư tử và linh cẩu có mối quan hệ cạnh tranh về nguồn thức ăn (Thịt hươu, nai, ngựa vằn,...). Đôi khi, linh cẩu còn cướp thức ăn của sư tử. 

Trong quần xã rừng xanh nhiệt đới, các cây cao, lớn thường cạnh tranh với nhau về nguồn sáng mặt trời. Vì thế chúng cố vươn cao để đón nhận ánh sáng.

Quan hệ ức chế - cảm nhiễm trong quần xã là gì?

Mối quan hệ ức chế - cảm nhiễm là việc một loài sinh vật sinh trưởng, phát triển bình thường nhưng lại vô tình gây hại cho loài xung quanh trong quần xã.

Ví dụ: Một số loài tảo sinh sống ở khu vực cửa biển mỗi khi nở hoa lại tạo thành hiện tượng “thủy triều đỏ”. Hoa mà chúng tạo thành thường có màu đỏ hoặc nâu, trải dài cả vùng biển rộng lớn nên mới dẫn đến cái tên như vậy. Quá trình nở hoa này làm các độc tố tự nhiên được tăng cường tiết ra, đồng thời gây giảm oxy hòa tan trong nước. Từ đó, khiến cho nhiều loài động vật thuộc cùng một quần xã với tảo nở hoa bị chết như: Chim, cá, thú biển,...

Quan hệ động vật này ăn động vật khác

Chắc hẳn đây là mối quan hệ mà chúng ta thấy rất quen thuộc trong quần xã sinh vật. Nếu như một loài là động vật ăn thịt thì chắc chắn chúng sẽ phải ăn loài động vật khác để duy trì sự sống. 

Loài động vật bị ăn thịt sẽ cố gắng tháo chạy và lẩn tránh, trong khi loài ăn thịt lại nỗ lực tìm kiếm và săn bắt động vật ăn cỏ.

ho-an-thit-nai-trong-quan-xa

Hổ ăn thịt nai trong quần xã

Ví dụ: Ở quần xã rừng nhiệt đới, hổ ăn thịt hươu, nai.

Quan hệ ký sinh trong quần xã sinh vật

Mối quan hệ này khá giống với mối quan hệ động vật này ăn động vật khác. Vì loài đi ký sinh cũng cần hút chất dinh dưỡng từ loài bị ký sinh thì mới có thể tồn tại. 

 

Tuy nhiên, điểm khác biệt là loài đi ký sinh thường có kích thước rất nhỏ nên chỉ có thể sử dụng cách thức: Hút máu, hút chất dinh dưỡng từ loài bị ký sinh mà không thể ăn thịt loài bị ký sinh được.

 

Ví dụ: Cây dây tơ hồng ký sinh và hút chất dinh dưỡng trên vật chủ là cây thân gỗ. Chúng đều thuộc quần xã rừng xanh nhiệt đới.

Hiện tượng khống chế sinh học

Khống chế sinh học là một hiện tượng xảy ra trong quần xã. Theo đó, số lượng của cá thể ở loài này sẽ bị khống chế bởi số lượng cá thể của loài khác (Số lượng được duy trì ở mức vừa phải, không quá đông đúc, cũng không quá ít ỏi). 

 

Nguyên nhân của sự khống chế này là do mối quan hệ đối kháng giữa các loài động vật trong cùng một quần xã.

 

Hiện tượng khống chế sinh học chính là cơ chế cân bằng của quần xã sinh vật.

Kết luận

Vừa rồi, sansosanh đã cùng các bạn tìm hiểu câu trả lời cho câu hỏi “Quần xã là gì?” và những vấn đề liên quan. Mong rằng qua bài viết, các bạn đã nắm rõ hơn về khái niệm quần xã và thấy được sự tương tác qua lại giữa các loài trong quần xã. Hãy thường xuyên ghé thăm website sansosanh.com để khám phá thêm nhiều tri thức mới nhé!

 

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận